Mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ đồng nghĩa quy mô vốn điều lệ của “ông lớn” ngành bất động sản này sẽ giảm 3.700 tỷ đồng. Phương án trên sẽ cần trình và chờ nhận được sự phê duyệt từ đại hội đồng cổ đông.
. |
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) vừa ban hành nghị quyết về việc mua lại cổ phiếu đã phát hành với quy mô công bố lớn “chưa từng thấy” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, Vinhomes dự kiến mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến mua lại là sau khi được Uỷ ban chứng khoán nhà nước chấp thuận và công ty đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán, phù hợp với quy định pháp luật.
Hội đồng quản trị giao chủ tịch HĐQT chuẩn bị tờ trình và các tài liệu liên quan đến trình ĐHĐCĐ thông qua việc mua lại, phương án mua lại, giảm vốn điều lệ tương ứng với khối lượng đã mua lại và các vấn đề liên quan.
"Thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty, việc mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông", nghị quyết hội đồng quản trị nêu ra mục đích mua lại.
Thông tin trên đã khiến giá cổ phiếu VHM ngay lập tức tăng kịch biên độ vào sáng ngày 7/8. Trong một năm trở lại đây, giá cổ phiếu VHM đã có nhịp giảm rất sâu từ mức 60.000 đồng/cổ phiếu xuống 40.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn tháng 8-11/2023. Diễn biến giá cổ phiếu cũng không “khả quan” hơn trong các tháng qua, có thời điểm xác lập đáy mới khi rơi xuống mức 34.500 đồng/cổ phiếu trong phiên 5/8.
Ước tính, theo giá trị thị trường đang giao dịch ngày 7/8 (37.200 đồng/cổ phiếu), Vinhomes sẽ phải chi ra hơn 13.760 tỷ đồng. Trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa từng ghi nhận giao dịch mua cổ phiếu quỹ lớn như kế hoạch lần này của Vinhomes. Nhất là trong các năm gần đây, kể từ khi Luật chứng khoán năm 2019 có hiệu lực, không nhiều doanh nghiệp thực hiện mua lại cổ phiếu của chính công ty mình. Nguyên nhân bởi giảm vốn điều lệ đã trở thành quy định bắt buộc đối với các tổ chức khi thực hiện mua lại cổ phần từ các cổ đông sau khi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp được ban hành nămm 2019 và cùng có hiệu lực từ 1/1/2021.
Nếu phương án trên thực hiện thành công, quy mô vốn điều lệ của “ông lớn” ngành bất động sản sẽ giảm từ 43.543,7 tỷ đồng xuống còn 39.843,7 tỷ đồng. Đến ngày 30/6, tổng tài sản của Vinhomes đạt 494.461 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nợ phải trả chiếm 58,18%. Việc mua lại cổ phiếu quỹ với giá mua lại gấp 3,7 lần mệnh giá (tính theo giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại), vốn chủ sở hữu của Vinhomes ước tính giảm tương ứng 13.760 tỷ đồng. Giả định các yếu tố khác không đổi, với số tiền mua cổ phiếu quỹ ước tính trên, tỷ lệ nợ của công ty bất động sản này có thể tăng lần gần 60% sau nghiệp vụ chi tiền mua cổ phiếu quỹ.
Hiện Vinhomes đã chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng vào 12/08/2024. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 15/8/2024 đến ngày 15/9/2024.
Trong quý II/2024, Vinhomes thu về khoảng 28.218 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động chuyển nhượng bất động sản, mảng kinh doanh chiếm tới hơn 60% tỷ trọng doanh thu, lại chỉ dừng ở mức 17.842 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinhomes Royal Island - dự án trên đảo Vũ Yên thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng là dự án đang gánh vác mảng kinh doanh này.
Trong khi đó, doanh thu tài chính tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ, đạt 8.124 tỷ đồng chủ yếu nhờ thu nhập từ hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh (6.341 tỷ đồng). Dù chi phí tài chính tăng mạnh, Vinhomes báo lãi sau thuế quý vừa qua tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.608 tỷ đồng.