Mã cổ phiếu này vẫn dậm chân tại chỗ trong vòng 1 năm vừa qua và cần thêm một chất xúc tác đủ mạnh để “cất cánh”.
Trải qua 1 tuần với nhiều diễn biến tích cực, thị trường chứng khoán ghi nhận 4 phiên tăng và chỉ duy nhất 1 phiên giảm điểm số. So với tuần trước, VN-Index tăng 2,28% và đạt tại mốc 1.273,11 điểm khi kết thúc phiên cuối tuần (17/5). Bên cạnh đó, thanh khoản trên 3 sàn đều có sự cải thiện và tăng nhẹ 2,2% so với tuần trước, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt trên 23 nghìn tỷ đồng.
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2.458 tỷ đồng tính trên toàn thị trường, trong đó, mua ròng 2 phiên và bán ròng 3 phiên. Đáng chú ý, mã MWG là cổ phiếu được khối ngoại giải ngân mạnh với giá trị mua ròng đạt tương ứng hơn 582 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua
Theo dõi nhóm cổ phiếu “Vua”, đa số cổ phiếu đều biến động hẹp, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng như BID (+0,3%), TCB (+2,6%), CTG (+0,8%) ghi nhận tăng điểm nhẹ, riêng VCB giảm 0,33%. Các mã như VPB (+4,6%), SHB (+3%), TPB (+1,66%),...đều ghi nhận bật tăng.
Điểm đáng chú ý của nhóm này chính tại phiên giao dịch thứ 5 (16/5), nhóm ngân hàng có tới 7 mã là động lực chính cho đà tăng của thị trường bao gồm LPB tăng trần, VCB, TCB, BID, CTG, VPB, MBB,...đã góp công lớn giúp chỉ số áp sát mốc 1.270 điểm.
Bên cạnh đó, TOP cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn HoSE trong tuần qua tiếp tục có sự góp mặt của 4 cổ phiếu ngân hàng bao gồm: LPB, TCB, MBB, SHB. Với diễn biến mua bán của khối ngoại, CTG và VPB là bộ đôi bị bán ròng mạnh với giá trị tương ứng đạt lần lượt 337,85 tỷ đồng và 209,19 tỷ đồng.
Dự báo xu hướng tuần 20/5 - 24/5: Vn-Index sớm vượt 1.300 điểm, 1 cổ phiếu ngân hàng kỳ vọng sinh lời đến 40%
Sau khi công bố số liệu lạm phát Mỹ tháng 4 vào tối ngày 15/05 theo giờ Việt Nam, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đã phản ánh vô cùng tích cực. 3 chỉ số chính Dow Jones, S&P 500, NASDAQ đều bứt phá đạt mức cao nhất mọi thời đại. Thông tin cũng đã tạo nên tâm lý hứng phấn lan tỏa khắp toàn thế giới và cả thị trường trong nước.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Đức Hiền - Sáng lập cộng đồng đầu tư Go Invest nhận định rằng, xu hướng tuần tới dự kiến tiếp tục tích cực với hầu hết mọi nhóm ngành. Vn-Index đang chạm về gần vùng giá 1.280-1.300 điểm với thanh khoản khớp lệnh mỗi phiên trên 800 triệu cổ phiếu. Rất có thể thị trường chưa dừng lại ở đây mà còn tiến xa hơn khi nhóm ngân hàng chưa thực sự khởi động.
Ông Hiền nói, gần đây Ngân hàng nhà nước vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo đó, Thông tư sẽ được gia hạn thêm 6 tháng nữa tức là kéo dài đến 31/12/2024, việc kéo dài thời gian cơ cấu các khoản nợ sẽ giúp ngân hàng giảm bớt áp lực nợ xấu trong ngắn hạn và các doanh nghiệp cũng được tháo gỡ phần nào khó khăn ở giai đoạn này.
Đây cũng là cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng con sóng cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa kết thúc. Nhiều mã cổ phiếu lớn như VCB, CTG, BID, MBB,… đã trải qua nhịp điều chỉnh và vẫn đang nằm ở vùng giá thấp hơn 10-15% so với đỉnh gần nhất, thời điểm cuối tháng 2.
Ông Hiền nói, trong một kịch bản tích cực, dự kiến nhóm ngân hàng vẫn sẽ là dòng dẫn dắt đưa Vnindex vượt 1.300 điểm ngay trong tuần sau.
Kể từ tháng 12/2023, ngân hàng là nhóm có đóng góp lớn nhất đưa Vnindex tăng một mạch gần 20% (dữ liệu tính đến ngày 28/03/2024) từ vùng đáy 1.082,29 điểm. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu tăng giá rất ấn tượng: CTG tăng 38,2%; TCB tăng 67,7%; MBB tăng 42,7%; BID tăng 32,6%; VIB tăng 39.1%...
Tuy nhiên, một “ông lớn” trong nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần vẫn chưa hề thức giấc. Đó mã cổ phiếu VPB, cổ phiếu này vẫn dậm chân tại chỗ trong vòng 1 năm vừa qua và cần thêm một chất xúc tác đủ mạnh để “cất cánh”.
Mới đây, trong cuộc họp ĐHCĐ hàng năm, mặc cho bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ban lãnh đạo VPBank vẫn đặt mục tiêu tham vọng với lợi nhuận trước thuế đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2023. Để làm được điều đó, VPBank quyết tâm nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 25% và 22% so với năm ngoái.
Một tín hiệu tích cực nữa là “con gà đẻ trứng vàng” Fe Credit được kỳ vọng trở lại mạnh mẽ sau 2 năm thua lỗ và dự kiến mang về khoản lợi nhuận 1.200 tỷ đồng đóng góp cho ngân hàng mẹ trong năm 2024.
Năm nay cũng là năm thứ 2 trong lộ trình cam kết 5 năm, ngân hàng thực hiện chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, tổng số lợi nhuận chia dự kiến là hơn 7.900 tỷ đồng, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 23/05/2024.
Về mặt kỹ thuật, ông Hiền nhận định rằng, xuyên suốt 10 năm trở lại đây, cứ 3 năm, các cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo đỉnh mới. Đó là các thời điểm: tháng 7/2015, tháng 4/2018, tháng 6/2021 và nếu theo quy luật đó, dự kiến nửa cuối năm 2024, nhóm này sẽ tạo đỉnh thêm 1 lần nữa. Thực tế là có một số cổ phiếu đã vượt đỉnh cũ trong cuối tháng 3/2024 như: VCB, ACB, MBB… và con số này sẽ tiếp tục gia tăng khi thị trường bước vào sóng mới.
Mặc dù lên sàn muộn hơn vào tháng 8/2017, VPBank cũng đã 2 lần tạo đỉnh mới theo đúng quy luật trên trong năm 2018, 2021. Và với tiềm lực của một ngân hàng top đầu trong khối Ngân hàng TMCP, rất có thể, điều tương tự sẽ tiếp diễn.
Do đó, ông Hiền đưa ra khuyến nghị MUA cổ phiếu VPB với vùng mua từ 19.000-20.000 đồng.
Mục tiêu giá: Sử dụng công cụ Fibonacci Extension để xác định giá mục tiêu trong vòng 3-6 tháng:
Mục tiêu thận trọng: 22.500 đồng (Tương ứng mức Fibo Ext 50% ~ mức sinh lời dự kiến: 15%)
Mục tiêu tích cực: 25.000 đồng (Tương ứng mức Fibo Ext 78,6% ~ mức sinh lời dự kiến: 28%)
Mục tiêu tham vọng: 27.000 đồng (Tương ứng mức Fibo Ext 100% ~ mức sinh lời dự kiến: 38,5%).
Dương Lam