Giá vàng thế giới có thời điểm tiến sát mức 2.480 USD/ounce. Đà tăng của giá vàng được thúc đẩy bởi USD yếu và kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất quỹ liên bang tại kỳ họp tháng 9.
Sau hai tuần điều chỉnh giảm, giá vàng thế giới trở lại tăng mạnh trong tuần chuyển giao giữa tháng 7 và 8.
Cuộc họp điều hành chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc hôm 31/7 và không gây bất ngờ khi giữ nguyên lãi suất điều hành trong khoảng 5,25 - 5,50% như kỳ vọng. Tuy nhiên, tuyên bố của Fed làm dịu đi mô tả về lạm phát và chỉ ra rằng rủi ro đối với việc làm hiện ngang bằng với rủi ro của giá cả tăng, cho thấy các tín hiệu về việc sẵn sàng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 trong bối cảnh dữ liệu lạm phát được cải thiện. Khung lãi suất quỹ liên bang đã neo cao trong một năm trở lại đây.
Ngoài ra, thông tin mới nhất từ Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 7 của Mỹ công bố vào cuối tuần cho thấy, nước Mỹ vẫn tạo thêm việc làm mới nhưng sức mạnh của thị trường lao động có thể đang trên đà suy giảm.
Cụ thể, số việc làm phi nông nghiệp chỉ tăng 114.000 trong tháng 7, giảm so với con số đã được điều chỉnh 179.000 của tháng 6. Mức tăng này cũng thấp hơn ước tính của Dow Jones là 185.000 việc làm mới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2021. Cùng đó, mối đe dọa gia tăng về một cuộc xung đột lớn hơn tại Trung Đông cũng đang làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Các số liệu từ Mỹ cùng kỳ vọng của giới đầu tư về nền kinh tế số 1 thế giới cũng tác động mạnh đến USD, qua đó ảnh hưởng đến hàng hoá được định giá bằng USD như vàng. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ giảm xuống dưới 103,7 điểm vào thứ Sáu sau báo cáo việc làm yếu kém. Đây cũng là mức thấp nhất của chỉ số này trong hơn 4 tháng. Trong khi đồng euro mất giá, đồng yên Nhật lại ghi nhận sự hồi phục ngoạn mục. Khép lại tuần vừa qua, tỷ giá USD/JPY giảm còn 146,5 yên đổi 1 đôla, cũng là vùng thấp nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Đồng yên Nhật đã hồi phục 4,7% chỉ trong một tuần và 9% trong một tháng.
Tỷ giá USD/JPY giảm sâu khi đồng yên Nhật hồi phục mạnh. |
Tại Việt Nam, giá vàng miếng SJC có tăng nhưng không nhiều. Giá bán ra dựa trên giá vàng “bình ổn” NHNN bán cho SJC và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh. Trong khi, giá thu mua niêm yết không chênh lệch nhiều. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng mua vào ở mức 78,3 triệu đồng/lượng và bán ra tại 79,8 triệu đồng/lượng, lần lượt tăng 800.000 đồng/lượng (mua vào) và 300.000 đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng nhẫn có biến động theo xu hướng thế giới, nhưng nhìn chung trong khoảng biên độ hẹp. Đến cuối tuần qua, vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) là 76,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 77,55 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tuần qua, NHNN đã giảm tổng cộng 7 VND/USD. Đáng chú ý, đà giảm cũng nhanh chóng lan toả đến diễn biến tỷ giá tại ngân hàng thương mại. Các nhà băng hạ sâu tỷ giá, không còn niêm yết tỷ giá bán ở mức kịch biên độ như tình trạng đã kéo dài thời gian qua.
Tỷ giá trung tâm đến cuối tuần được niêm yết ở mức 24.242 VND/USD, tương ứng tỷ giá trần là 24.454 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá đang được niêm yết ở mức 25.040 VND/USD (mua chuyển khoản) và 25.380 VND/USD (bán ra). Tỷ giá bán ra tại “ông lớn” nhà băng này kém trần tỷ giá 74 VND/USD. Giá USD tự do cũng giảm theo, khép lại tuần qua phổ biến ở mức 25.600 đồng (mua vào) và 25.680 đồng (bán ra).