Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện có 6 hình thức lừa đảo phổ biến trong 26 hình thức trên không gian mạng.
Lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua ở Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều người dân dễ "sa bẫy" các đối tượng lừa đảo với số tiền lớn.
Nhằm nâng cao khả năng nhận diện trước các thủ đoạn lừa đảo, hướng tới mục tiêu đảm bảo sự an toàn của người sử dụng mạng xã hội, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã công bố nhận diện 6 hình thức lừa đảo chính trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến.
Theo Cục An toàn thông tin, với thông tin chi tiết các hình thức lừa đảo, người dân sẽ nâng cao kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Lừa đảo đầu tư: Để dụ "con mồi", những kẻ lừa đảo sẽ đóng giả chuyên gia tài chính, chào mời các giao dịch siêu lợi nhuận và lừa đảo người khác.
Với thủ đoạn này, những kẻ lừa đảo sẽ tự xưng là chuyên gia, "lão làng" nên người dân cần chú ý những ngôn từ. Đồng thời, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, trong khi đó các tổ chức, cơ quan hợp pháp không bao giờ yêu cầu cung cấp những điều đó qua việc trò chuyện trên mạng.
Lừa đảo việc làm: Lợi dụng những người đang tìm kiếm việc làm, các đối tượng sẽ gửi lời mời hấp dẫn với các công việc thu nhập cao để trục lợi.
Trong trường hợp này, người dân cần chủ động tìm hiểu những người mời làm việc đến mình, đặc biệt khi không ứng tuyển ở đâu. Khi đó, tuyệt đối không được gửi thông tin hay đóng phí cọc để tránh mất tiền oan.
Lừa đảo tài chính: Hình thức này khá phổ biến hiện nay khi các đối tượng lợi dụng người dân để lừa đảo chính tiền của họ.
Khi nhận được lời mời với những khoản tài chính cao, người dân cần lập tức cảnh giác và kiểm tra thông tin kỹ lưỡng. Không gửi thông tin cá nhân, chuyển tiền cho những cá nhân, tổ chức không rõ danh tính.
Lừa đảo cho vay: Đây là hình thức khá phổ biến và dễ dàng dụ người dân để lừa đảo khi các đối tượng sẽ hứa hẹn cung cấp khoản vay lớn, không thẩm định và giải ngân nhanh chóng.
Người dân hãy nâng cao cảnh giác với thủ đoạn cho vay nhanh chóng, lãi suất thấp và có tiền ngay lập tức. Thông thường, các đối tượng sẽ yêu cầu người vay đóng phí, trong trường hợp này cần tuyệt đối không chuyển tiền bởi các tổ chức uy tín khi giải ngân sẽ không bắt khách hàng đóng phí trước.
Lừa đảo xổ số: Các đối tượng sẽ giả mạo trúng giải xổ số, yêu cầu người dân để yêu cầu người dân chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Khi nhận cuộc gọi lạ thông báo trúng thưởng và phải chuyển tiền để nhận số tiền trúng giải, người dân tuyệt đối không làm theo.
Lừa đảo mạo danh: Các đối tượng sẽ mạo danh người khác để tạo lòng tin, từ đó sẽ lừa đảo tiền của nạn nhân.
Thông thường, rất ít trường hợp cá nhân gặp tình huống khẩn cấp mà vay tiền của bạn bè, người thân. Để nhận diện, hãy kiểm tra các thông tin của người mạo danh bằng cách đặt câu hỏi quen thuộc xem họ có câu trả lời chính xác không. Từ đó, người dân sẽ xác nhận được đây là lừa đảo mạo danh hay không để tránh chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.
Đó là 6 hình thức lừa đảo phổ biến trong 24 hình thức đang được các đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng mà người dân cần nâng cao cảnh giác.
Theo ông Nguyễn Phú Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin: "Mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các tội phạm mạng thực hiện hành vi lừa đảo, bởi chỉ cần một phút chủ quan, lơ là và thiếu kiến thức, người dân có thể sập bẫy bất cứ lúc nào. Với chiến dịch "Nhận diện lừa đảo" phối hợp cùng Meta, chúng tôi đặt mục tiêu trang bị cho mọi công dân số khả năng tự định vị các bẫy lừa đảo, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng."