Để xây dựng một thị trường tài chính xanh lam, đồng thời đẩy mạnh trái phiếu xanh lá và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sẽ cung cấp gói tài trợ 150 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, Hose: SSB).
Gói tài trợ của IFC bao gồm khoản đầu tư vào trái phiếu xanh lam đầu tiên ở Việt Nam và trái phiếu xanh lá đầu tiên do một ngân hàng thương mại tư nhân trong nước phát hành.
Trong gói tài trợ này, IFC đăng ký mua 25 triệu USD trái phiếu xanh lam, giúp SeABank huy động thêm vốn cho các hoạt động kinh tế bền vững gắn với đại dương và nước (như nuôi trồng và khai thác thủy sản, cấp nước sạch...). IFC cũng đăng ký mua trái phiếu xanh lá trị giá 50 triệu USD nhằm giúp Ngân hàng mở rộng tài trợ các tài sản xanh trong các lĩnh vực như: tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Đồng thời, IFC, với tư cách là tổ chức triển khai Chương trình Hỗ trợ Thị trường Xây dựng Xanh của Vương quốc Anh và IFC (MAGC), sẽ cung cấp thêm tới 0,48 triệu USD phí ưu đãi dựa trên hiệu suất tài trợ của SeABank dành cho các khách hàng cá nhân vay mua nhà để giúp họ bù đắp các chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng các giải pháp công trình xanh đã được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà.
Ngoài ra, IFC cũng sẽ cung cấp khoản vay trị giá 75 triệu USD để SeABank tăng cường cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.
Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 3,2% GDP vào năm 2020 do biến đổi khí hậu và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh. Với đường bờ biển dài 3.000 km, sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam phụ thuộc vào đại dương. Nền kinh tế biển của Việt Nam dự kiến sẽ đóng góp khoảng 10% GDP vào năm 2030.
Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, hay tổng cộng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, trong đó dự kiến một nửa sẽ đến từ khu vực tư nhân.
“Khoản đầu tư của IFC sẽ giúp SeABank tăng cường tài trợ cho các sáng kiến hỗ trợ chương trình tài chính khí hậu và tài chính toàn diện của Việt Nam. Chúng tôi tự hào là tổ chức đầu tiên phát hành trái phiếu xanh lam của Việt Nam, và là ngân hàng thương mại tư nhân trong nước đầu tiên phát hành trái phiếu xanh lá. Chúng tôi hy vọng việc đẩy mạnh hợp tác với IFC sẽ thúc đẩy hơn nữa các chiến lược của ngân hàng về phát triển danh mục đầu tư xanh lá và xanh lam”, bà Lê Thu Thủy - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SeABank cho biết.
Cùng với gói tài trợ, IFC sẽ tư vấn cho SeABank áp dụng các khung trái phiếu xanh lá và xanh lam, đồng thời giúp ngân hàng xác định các tài sản xanh lá và xanh lam đủ điều kiện tài trợ cũng như xây dựng danh mục các dự án tiềm năng.
“Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư tư nhân, do đó việc triển khai các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh lam và trái phiếu xanh lá sẽ mang lại nguồn vốn mới cho các dự án liên quan đến khí hậu”, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết. “Với việc đầu tư vào một tổ chức tài chính dẫn đầu như SeABank, IFC hướng đến thiết lập các loại tài sản mới, đồng thời huy động vốn và tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính trong nước nhằm thúc đẩy tài chính khí hậu tại Việt Nam”.
Đi đầu trong việc xây dựng các thị trường tài chính xanh lá và xanh lam ở châu Á - Thái Bình Dương, IFC đã hỗ trợ nhiều tổ chức tài chính và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh lá và xanh lam đầu tiên tại các thị trường địa phương. Năm ngoái, IFC đã đầu tư 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) và công ty con là Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành. Với khoản đầu tư vào SeABank, tính đến nay, IFC đã cam kết cấp khoảng 1 tỷ USD vốn dài hạn để hỗ trợ các dự án liên quan đến khí hậu tại Việt Nam.
IFC đã hợp tác với SeABank từ năm 2021, hỗ trợ Ngân hàng mở rộng cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao khả năng tài trợ khí hậu và thúc đẩy các cơ hội thương mại quốc tế. IFC đã tư vấn SeABank phát triển chiến lược ngân hàng dành cho phụ nữ để tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ với các sản phẩm tài chính đặc thù. IFC cũng đã hỗ trợ SeABank triển khai khuôn khổ tích hợp về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để nâng cao năng lực của ngân hàng trong việc đánh giá và quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Với sự hỗ trợ của IFC, SeABank đã ưu tiên tài trợ cho các dự án xanh nhằm thúc đẩy giảm thiểu biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Về Chương trình Hỗ trợ Thị trường Xây dựng Xanh của Vương quốc Anh-IFC (MAGC)
Chương trình Hỗ trợ Thị trường Xây dựng Xanh của Vương quốc Anh-IFC (MAGC) là hợp tác song phương đầu tiên giữa IFC và Vương quốc Anh về tài chính ưu đãi hỗn hợp để hỗ trợ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Bằng cách thúc đẩy việc xây dựng các công trình xanh đạt chứng chỉ, chương trình đặt mục tiêu huy động tổng đầu tư trị giá 2 tỷ USD để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đóng góp của chính phủ Vương quốc Anh được sử dụng để kích thích các thị trường xây dựng bằng cách cung cấp ưu đãi tài chính cho việc phát triển các công trình xanh đạt chứng chỉ EDGE của IFC và các hệ thống chứng chỉ xanh hàng đầu khác.