Nhiều doanh nghiệp bất ngờ khi được vay với lãi suất thấp, dưới 5%. Song vẫn còn không ít doanh nghiệp không dám vay bởi chưa có đơn hàng.
Doanh nghiệp tốt ngân hàng sẽ không tiếc
Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật có trụ sở tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, chuyên về lĩnh vực xuất khẩu gạo với doanh thu mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Tổng giám đốc công ty, ông Nguyễn Văn Nhựt, cho hay, Hoàng Minh Nhật đang vay vốn tại Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ với lãi suất 5%/năm, đồng thời doanh nghiệp cũng vừa thiết lập quan hệ tín dụng tại VietinBank Chi nhánh Cần Thơ với lãi suất chỉ 4,8%/năm.
Trước đó, DN xuất khẩu gạo này có 18 năm liên tiếp vay vốn qua Vietcombank Cần Thơ. Ông Nhựt chia sẻ, thời điểm giữa năm 2023, doanh nghiệp của ông vay vốn tại Vietcombank với lãi suất 6,5%/năm. Đến cuối năm đó, lãi suất giảm xuống còn 5,5%/năm, đến nay còn 5%/năm.
“Doanh nghiệp luôn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm, giảm nữa càng tốt; nếu không thì nên duy trì ổn định”, ông Nguyễn Văn Nhựt bày tỏ.
Chia sẻ về “bí quyết” vay vốn giá rẻ, vị đại gia lúa gạo miền Tây nói: “Đối với những doanh nghiệp tốt, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng rất dễ dàng. Họ là những công ty chứng minh được dòng tiền luôn chuyển đúng hướng, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, hoặc ít nhất cũng duy trì được sự ổn định trong bối cảnh khó khăn”.
Cũng với 5%/năm, mức lãi suất cho vay này đang được VietinBank Chi nhánh Hậu Giang áp dụng cho khoản vay của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu, hộ nuôi cá thát lát tại thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ông Hiếu nhận xét, lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể so với con số vốn đã khá thấp 5,5%/năm của cùng kỳ năm ngoái.
“Năm ngoái, tôi có dư nợ 15 tỷ đồng với lãi suất 5,5%/năm tại VietinBank Hậu Giang, tưởng đã rẻ lắm rồi, nhưng năm nay còn được ngân hàng giảm thêm. Nhờ đó, từ 1 ao nuôi ban đầu rộng 4.000m2, tôi đã phát triển thành 8 ao nuôi có tổng diện tích hơn 40.000m2, sản lượng cá xuất bán khoảng 500 tấn cá/năm”, ông Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, vấn đề của nhiều doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng chứ không chỉ lãi suất.
Ông Phan Hữu Lực, chủ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thuỷ sản tại Đồng Nai, nói rằng: “Lãi suất ngân hàng giảm rõ rệt trong hơn một năm qua nhưng doanh nghiệp vẫn không dám vay vì không có đơn hàng. Một khi có đơn hàng, kể cả lãi suất 10-12%, chúng tôi cũng sẵn sàng vay”.
Theo tìm hiểu tại VPBank, lãi suất cho vay thông thường hiện dao động từ 7-9%/năm tùy theo xếp hạng doanh nghiệp, giảm từ 0,3-1%/năm so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp có lịch sử trả nợ tốt, lãi suất cho vay được ngân hàng áp dụng từ 6%-6,5%/năm.
Mức lãi suất này cũng được LPBank áp dụng cho những doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục,... nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.
Nhiều ngân hàng đã thực sự vào cuộc. Trên thực tế, lãi suất cho vay, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên, đã xuống trên dưới 5%/năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thuộc top đầu cho biết, các nhà băng đang nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, trước hết là giảm lãi suất cho vay.
“Lâu lắm rồi mới có một mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, với hàng loạt chương trình giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng. Các loại phí cho khách hàng bán lẻ giao dịch cũng như phí cho các khách hàng thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại đều được miễn giảm với mong muốn hỗ trợ khách hàng, mong muốn khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn để cùng phát triển” vị tổng giám đốc chia sẻ.
Vị CEO ngân hàng đánh giá, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc từ tháng 4/2024 khi thị trường bất động sản ấm lên. Bên cạnh đó, hai tháng qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cũng đã tìm đến ngân hàng để vay vốn tái đầu tư.
Lãi suất cho vay bình quân tháng 5: Có nhà băng giảm hơn 1%/năm
Theo khảo sát, lãi suất cho vay bình quân tháng 5 (được các ngân hàng lần lượt công bố trong tháng 6), lãi suất cho vay đã rẻ hơn so với đầu năm.
Tại các ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank và BIDV công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 5 lần lượt là 5,9% và 5,82%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi với cho vay lần lượt là 3,2% và 3,13%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn lần lượt là 1,5% và 1,84%/năm.
Tại VietinBank, từ 9/5 đến 15/7, khách hàng ưu tiên được giảm lãi suất 0,2%/năm. Theo đó, khoản vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm, và khoản vay trung, dài hạn có lãi suất từ 5,6%/năm.
Còn tại Agribank, nhà băng này thông báo từ đầu năm 2024 đến nay đã ba lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 0,5-1%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 1-1,5%/năm so với đầu năm.
Theo đó, sàn lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn của Agribank chỉ từ 5%/năm, cho vay trung dài hạn từ 7,5%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay thông thường tại VPBank hiện dao động từ 7-9%/năm tuỳ theo xếp hạng doanh nghiệp, giảm từ 0,3-1%/năm so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp có lịch sử trả nợ tốt, mức độ rủi ro tốt, lãi suất cho vay được ngân hàng áp dụng từ 6-6,5%/năm.
6,5%/năm cũng là mức lãi suất đang được LPBank áp dụng cho những doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu. Còn BaoViet Bank đang áp dụng mức lãi suất này cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay vốn nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay bình quân khách hàng cá nhân tại ABBank từ tháng 5/2024 chỉ còn 4,74%/năm, trong khi lãi suất cho vay bình quân khách hàng doanh nghiệp là 6,8%/năm.
Tại VIB, lãi suất cho vay bình quân tháng 5 là 6,81%/năm (cá nhân) và 5,8%/năm (doanh nghiệp), giảm mạnh lần lượt 0,66% và 1,18%/năm so với tháng trước đó.
Lãi suất cho vay bình quân tại ACB tháng 5/2024 là 6,7%/năm, giảm 0,08%/năm so với tháng trước. Chênh lệch giữa cho vay và huy động cũng đã được thu hẹp 0,24%/năm xuống còn 3,44%/năm.
Eximbank giảm 0,53%/năm lãi suất bình quân trong tháng 5 khi mới công bố mức 7,23%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân tháng 5 tại Sacombank là 7,53%/năm, giảm 0,1%/năm so với tháng liền kề. Chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay là 3,43%/năm, giảm 0,07%/năm so với tháng liền kề.
Tuy nhiên, một số ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay so với tháng trước như TPBank, Nam A Bank, SHB, OCB,...
Theo đó, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân tại OCB là 7,76%/năm, trong khi khách hàng doanh nghiệp là 8,02%/năm, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay là 3,64%/năm.
Lãi suất cho vay cơ sở dành cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại TPBank đang lần lượt là 8,05% và 8,25%/năm. Đáng chú ý, lãi suất cho vay kỳ hạn 3 tháng áp dụng đối với khoản vay mua ô tô là 8,95%/năm.
SHB vẫn áp dụng lãi suất cho vay bình quân như hồi tháng 4 là 7,9%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động là 3,7%/năm.